DIỄN ĐÀN CLB TDTT TRƯỜNG THCS NGUYỄN THỊ LỰU
Nếu muốn nói lên tâm tư, cảm nhận của bạn, hãy đăng ký và đăng nhập để viết bài.

CHÚC BẠN CÓ NHỮNG GIÂY PHÚT VUI VẺ CÙNG CHÚNG TÔI

Join the forum, it's quick and easy

DIỄN ĐÀN CLB TDTT TRƯỜNG THCS NGUYỄN THỊ LỰU
Nếu muốn nói lên tâm tư, cảm nhận của bạn, hãy đăng ký và đăng nhập để viết bài.

CHÚC BẠN CÓ NHỮNG GIÂY PHÚT VUI VẺ CÙNG CHÚNG TÔI
DIỄN ĐÀN CLB TDTT TRƯỜNG THCS NGUYỄN THỊ LỰU
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Sợ môn thể dục

Go down

 Sợ môn thể dục  Empty Sợ môn thể dục

Bài gửi  grilCL_kute Fri Feb 11, 2011 10:09 am



10/02/2011 1:35
Không phải HS, SV nào cũng hào hứng với môn thể dục - Ảnh: Đ.N.T
Cách dạy và học môn thể dục (TD) trong các trường hiện nay khiến không ít học sinh rơi vào tình trạng sợ hãi.

Không có nhiều lựa chọn

Tất cả học sinh, sinh viên (HS, SV) dù cao lớn hay thấp bé đều phải học một môn TD như nhau khiến môn học này không còn mang tính rèn luyện thể chất như vốn có.

Ngất vì... thể dục

Nỗi kinh hoàng của em Q. (HS trường THPT Trần Phú, Hà Nội) là môn nhảy cao. Do rất “khiêm tốn” về chiều cao cộng với thể lực yếu nên cứ nhìn thấy cái xà ngang là Q. hoảng hốt. Em tâm sự: “Chỉ cao hơn 1m thôi mà em không sao qua được, cô giáo bắt em nhảy đến cuối giờ. Các bạn xúm đông xúm đỏ nhìn em nhảy đến hơn hai chục lần, đầu tiên thì chê cười, sau đó là thương xót, cổ vũ... mà em vẫn không sao nhảy qua được”.

Mặc dù vậy, giáo viên (GV) TD và lãnh đạo nhà trường vẫn chỉ có một môn học là nhảy cao cho người thấp bé nhẹ cân như Q.

Nỗi kinh hoàng của HS, SV khi nhắc đến môn TD không phải hiếm. Càng kinh hoàng hơn khi không học được thì người học sẽ phải chấp nhận những hình phạt mà khi “nếm mùi” một lần sẽ sợ mãi.

Một HS lớp 11 trường THPT Quang Trung (Hà Nội) kể: “Có lần do hôm trước thức khuya học bài mệt quá nên hôm sau đến giờ TD em không tập nổi. Thầy giáo không hỏi lý do đã bắt em phải “bật cóc” 5 vòng khiến em quá sức và ngất ngay tại chỗ”. Có thể nói không môn học nào mà các thầy cô lại có nhiều hình phạt như ở môn này, như: thụt dầu, chạy quanh, hít đất, bật cóc, thậm chí là phơi nắng.


Điều quan trọng là những bài tập TD phải phù hợp với từng HS. Ngay cả trong một bộ môn thì cũng phải có những bài tập phù hợp với thể trạng của từng em


Cô Nguyễn Thị Huệ

TD hay còn gọi là giáo dục thể chất là một bộ môn đặc thù, yêu cầu người học phải luyện tập thường xuyên và quan trọng là phải phù hợp với thể trạng của từng nhóm đối tượng HS. Tuy nhiên, hầu hết các trường không có điều kiện về cơ sở vật chất và GV nên thường chỉ có một vài môn và bắt tất cả HS, SV bất kể thể trạng ra sao đều phải theo. Điều này khiến một môn học có mục đích là nâng cao thể lực cho người học biến thành môn học đáng sợ của một bộ phận không nhỏ HS, SV.

Học đến tốt nghiệp vẫn còn nợ

Đối với không ít bạn nữ của trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì môn bóng rổ thực sự là nỗi ám ảnh. Một cựu SV của trường này cho biết: “Sau khi thi lại 3 lần không đạt, mình đã phải chấp nhận nộp một khoản tiền để học lại và thi lại lý thuyết để có thể “qua” được môn TD, đủ điều kiện ra trường”. Còn một SV trường ĐH Ngoại ngữ nhớ lại dù đã ra trường 1 năm nhưng có hai bạn nam bị treo bằng vì trượt môn bóng đá.

Quá ít giáo viên

Trước đây, các môn học thể chất trong trường là bắt buộc nhưng hiện tại đã có các môn tự chọn nên thuận tiện hơn cho các em. Tuy vậy, thực sự các môn tự chọn ở các trường vẫn chưa được mở rộng. Lý do chính là có quá ít GV. Ở các trường ĐH, CĐ nhiều nhất chỉ có khoảng 10 - 15 người. Với số lượng đó, khó có nhiều môn học tự chọn được mà chỉ khống chế ở một số môn là mặt mạnh.

Dương Văn Hiền - Cựu trọng tài FIFA, giảng viên bộ môn Giáo dục thể chất trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

Đăng Nguyên (ghi)


Phần lớn SV nữ trường ĐH Sư phạm Hà Nội rất sợ môn bóng chuyền, hầu như khóa học nào số SV thi lại cũng chiếm tới khoảng 2/3. Trường này có riêng một khoa để đào tạo ra những người thầy dạy TD tương lai nên đội ngũ giảng viên này khi dạy SV của khoa khác cũng đòi hỏi rất cao. Một SV cho biết rất ít người qua được trong lần thi đầu, việc học lại đến năm thứ tư là chuyện bình thường.

Việc sắp xếp lịch học môn TD không hợp lý cũng khiến SV rất mệt mỏi. Nhiều hôm các bạn phải học ba tiết trên lớp đã rất mệt, lại ra sân nắng tập tiếp hai tiết TD nữa, thế nên “khỏe đâu chả thấy, chỉ thấy mệt hơn nhiều”, một SV bức xúc cho biết.

Ở nhiều trường do thiếu điều kiện cơ sở vật chất nên khi SV muốn tập luyện thêm cũng không có dụng cụ hoặc sân bãi. Một SV trường ĐH Kinh tế quốc dân nêu ví dụ: “Đối với môn tập xà, mỗi lớp có khoảng 60 SV, chia làm hai nhóm, tức là 30 SV được tập với một xà. Giả sử mỗi lần lên xà mất một phút thì một buổi học 90 phút, mỗi SV chỉ được lên xà 3 lần. Đó là chưa trừ thời gian khởi động và học lý thuyết, điểm danh... Sau 15 buổi, chúng em chỉ được tập với xà khoảng 40 lần, có lẽ chưa bằng số lần lên xà của một vận động viên trong một buổi tập. Như vậy làm sao có thể nắm bắt và thực hiện tốt các động tác kỹ thuật?”.

Cô Nguyễn Thị Huê, GV dạy TD tại một trường THPT của Q.Đống Đa, Hà Nội cho rằng: “Điều quan trọng là những bài tập TD phải phù hợp với từng HS. Ngay cả trong một bộ môn thì cũng phải có những bài tập phù hợp với thể trạng của từng em”.

Không thể học hết mình

Gần 10 năm nay, môn TD đã được đưa vào giờ học chính khóa của HS tiểu học (TH) với thời lượng 2 tiết/tuần. Tuy nhiên, cơ sở vật chất phục vụ cho môn học này còn rất nhiều hạn chế.

Khoảng 90% trong tổng số hơn 300 trường TH tại TP.HCM đều không có sân đa năng dành cho các hoạt động ngoài trời của HS. Vì vậy, trường TH nào có hồ bơi, sân đa năng như Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú), Chu Văn An (Q.Bình Thạnh)… là điều xa xỉ. Vì thế sân chơi trở thành sân tập và học TD là chuyện bình thường ở hầu hết các trường. Một hình ảnh thường thấy ở các trường học hiện nay là nếu trong sân trường náo nhiệt các lớp học TD thì các phòng xung quanh HS đang phải hết sức chú ý mới lắng nghe GV giảng bài.

Nhưng đó là còn may mắn vì ngay tại TP.HCM có nhiều trường chẳng có nơi để HS chạy nhảy vào giờ ra chơi. Ở trường TH Lý Thái Tổ (Q.Cool, hằng ngày gần 300 HS của trường lần lượt học môn TD tại hành lang. Nan giải hơn là trường TH Huỳnh Mẫn Đạt (Q.5), với cơ sở vật chất là 2 căn nhà phố liền kề, gầm cầu thang và sân thượng là khoảng trống mà HS có thể vui chơi. Còn mỗi khi có tiết TD thì thầy và trò lại tận dụng vỉa hè đường Huỳnh Mẫn Đạt để dạy và học.

Thể thao học đường: Nền vững để nhà cao

Với câu hỏi “Bạn nghĩ gì về thể thao”, đăng trên tạp chí Sport của Pháp, có đến 60% người được hỏi cho rằng Bộ Giáo dục cần tăng giá trị của thể thao hơn nữa, thậm chí đặt tầm quan trọng của môn TD ngang với các môn văn chương, khoa học.

Tại Pháp, trẻ em được làm quen với thể thao ngay từ nhỏ một cách rất tự nhiên. Ở trường, giờ TD của các bé là những trò chơi vận động thú vị. Ngoài giờ học, ngay từ 5, 6 tuổi, phụ huynh đã đăng ký cho con chơi thể thao tại các câu lạc bộ. Bóng đá, võ thuật, bơi lội, thể dục nhịp điệu... đều được đơn giản hóa tối đa để trở thành những trò chơi.

Đến độ tuổi trung học, các bạn trẻ của Pháp mỗi năm sẽ được tập luyện từ 2 đến 3 môn thể thao. Theo đà ấy, lên ĐH, dù không bắt buộc nhưng phần lớn SV tại các trường ĐH Pháp đều đăng ký chơi thể thao giải trí hoặc chọn thể thao làm môn học tự chọn. Những trường không đủ điều kiện tổ chức nhiều môn thể thao, có thể sử dụng các nhà thi đấu chung của các trường ĐH do chính quyền xây dựng.

Thể thao còn được xem là “chìa khóa vàng” mở ra cánh cửa của tương lai tại nhiều nước trên thế giới. Ở những nước xây dựng mô hình thể thao chuyên nghiệp ngay từ môi trường học đường như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, những bạn trẻ giỏi thể thao thường sẽ có đường vào ĐH thênh thang hơn: được tuyển thẳng, được miễn giảm học phí… Trong khi đó ở Pháp, thể thao học đường được xem là một lời giải cho những bài toán xã hội gai góc. Những khu ngoại ô nghèo của các TP lớn, nơi tình trạng thất nghiệp, phạm pháp luôn cao, chính quyền địa phương tổ chức các câu lạc bộ thể thao, tăng cường giờ học TD tại trường để các bạn trẻ có thể “bùng nổ” trên sàn đấu, thay vì la cà làm “nổ bùng” xe cộ trong các vụ bạo động
.
(Báo Thanh Niên)

grilCL_kute
member clubs
member clubs

Tổng số bài gửi : 15
Age : 26
Points : 41
Reputation : 1
Registration date : 06/09/2010

Về Đầu Trang Go down

 Sợ môn thể dục  Empty Sợ môn thể dục Chương trình cho “thần đồng”?

Bài gửi  grilCL_kute Fri Feb 11, 2011 10:12 am



11/02/2011 0:29
Chương trình học môn thể dục ở trường phổ thông nhiều và nặng, thiếu thiết thực khiến học sinh không yêu thích môn học này - Ảnh: Đ.N.T
Với chương trình “đa dạng” một cách thái quá như hiện nay, môn thể dục (TD) bậc phổ thông khó có thể là cầu nối giúp các bạn trẻ yêu thích thể thao.

35 phút dạy 2 nội dung

Những ai lần đầu xem qua tài liệu phân phối chương trình môn TD chắc hẳn phải ngạc nhiên tự hỏi: “Học sinh (HS) Việt Nam toàn là “thần đồng” thể thao?”. HS phải học quá nhiều thứ trong thời lượng ngắn kỷ lục. Ở bậc trung học phổ thông, một năm HS phải học 6 nội dung TDTT và 1 môn thể thao tự chọn, tất cả gói gọn trong 70 tiết học (mỗi tiết 45 phút). Đi vào chi tiết càng giật mình hơn khi quy định một tiết học giáo viên phải dạy tối thiểu 2 nội dung.

Không cần là chuyên gia về thể thao cũng dễ dàng nhận ra sự “phi thường” đến mức phi lý của chương trình TD. Thử lấy ví dụ một buổi học TD (2 tiết) ở học kỳ 2 trong “Phương án phân phối chương trình để tham khảo” dành cho lớp 11: tiết 39 và 40 tập trung vào 2 môn đá cầu và nhảy xa. Mỗi tiết giáo viên phải dạy ghép một nội dung của mỗi môn. Chỉ riêng tiết 39, HS phải ôn kỹ thuật tâng giật cầu, học kỹ thuật tâng cầu phối hợp tấn công bằng mu bàn chân, ôn phối hợp chạy đà - giậm nhảy trên không - tiếp đất cho kỹ thuật nhảy xa kiểu ưỡn thân. Tất cả trong vòng 45 phút. Việc thực hiện những kỹ thuật này không hề đơn giản. Như vậy, với 45 phút, mất tối thiểu 10 phút để khởi động, còn lại 30-35 phút cho 2 nội dung, nếu hoàn thành tốt yêu cầu thì quả là… siêu sao!

Nếu nhảy một lượt hết 1 phút thì mỗi em sẽ nhảy được... 1 lần

Thầy Nguyễn Xuân Trí Nghĩa
Chương trình “phi thường” quá nên thực tế, các giáo viên dạy TD phải khốn khổ trăm bề mà vẫn khó đảm bảo dạy đúng quy định.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, thầy Nguyễn Xuân Trí Nghĩa, Tổ trưởng Tổ TD trường Trung học thực hành Sài Gòn, cho biết: “Yêu cầu đặt ra là giáo dục toàn diện nên chương trình mới “đa dạng” như thế. Giáo viên dù muốn chuyên sâu cũng chỉ có thể soạn giáo án mỗi thứ một chút cho đầy đủ. HS sau bậc phổ thông biết được nhiều loại hình TDTT nhưng mỗi thứ biết… chút chút”. Như vậy, chương trình TD hiện nay rõ ràng mang tính “cưỡi máy bay xem hoa”. Các bạn trẻ khi ra trường chỉ cần “biết” về các môn thể thao là đạt yêu cầu, còn chơi được đến đâu, hạ hồi phân giải.

Về quy định “một tiết học, 2 nội dung”, thầy Nghĩa phân tích: “Thật ra, một nội dung cho một tiết học là đã rất sít sao. Chẳng hạn nếu dành trọn 45 phút cho nhảy cao với một lớp chỉ có 30 HS, sau phần ổn định đầu giờ, khởi động, nhắc sơ về kỹ thuật, còn khoảng 30 phút. Nếu nhảy một lượt hết 1 phút thì mỗi em sẽ nhảy được… 1 lần”. Trong khi đó, phần đông các lớp hiện nay đều có sĩ số trên dưới 40 HS nên việc thực hiện theo quy định lại càng nan giải hơn. Chính vì vậy, nếu không tính đến những hạn chế về cơ sở vật chất, riêng về chuyên môn, các giáo viên TD đều phải “liệu cơm gắp mắm”, chuyển đổi thời lượng và giáo án giảng dạy cho phù hợp. Như ở phần đá cầu, khi kiểm tra, rất nhiều thầy cô chỉ yêu cầu HS tâng cầu tại chỗ 10 cái để lấy điểm tối đa. Vì thế “Phương án phân phối chương trình để tham khảo” trong tài liệu của Bộ GD-ĐT chỉ mang tính… tham khảo và được áp dụng chủ yếu ở những buổi dự giờ.

Ý kiến: Rất có hại nếu thiếu giáo viên có chuyên môn

Mỗi môn thể thao có những đặc thù về cách phát triển, nâng cao sức khỏe riêng. Nếu không nắm vững, giáo viên sẽ truyền đạt sai lệch, không có lợi cho sức khỏe của HS. Chẳng hạn, cách khởi động môn võ thuật sẽ khác với cách khởi động trong bóng đá, bóng chuyền... Nếu không hiểu rõ mà áp dụng như nhau thì sẽ rất có hại. Ngoài ra, mỗi môn học có phương pháp để phát triển cơ, gân... riêng. Nếu cứng nhắc áp dụng chung một phương pháp cho tất cả các môn thì càng không có lợi cho sức khỏe của người tập.

Bác sĩ Diệp Nguyễn Bảo Toàn
Hội viên Hội Y học TDTT TP.HCM Đăng Nguyên (ghi)
Với chương trình học chỉ mang tính giới thiệu như hiện nay, gần như HS sẽ không thể yêu thích thể thao. Còn các giáo viên đành tự an ủi với mục tiêu gần gũi hơn cho môn TD: các em có chỗ vận động để “đổ mồ hôi”.

Kiện tướng cũng phải thi lại

Nhiều bạn trẻ giỏi thể thao đã không dám mạo hiểm tham gia vào các đội tuyển vì sợ phải “hy sinh” việc học hành. Hồi tháng 5.2010, vận động viên (VĐV) bóng bàn Trần Huy Bảo của TP.HCM sau khi đạt phong độ xuất sắc tại Đại hội TDTT toàn quốc cho biết sẽ xin không vô đội tuyển quốc gia nếu được chọn để tập trung cho bài vở ở trường ĐH. Điều này cũng dễ hiểu vì khi trở thành VĐV thi đấu cho màu cờ sắc áo của tỉnh, thành, quốc gia, đều không được hưởng bất cứ ưu tiên nào từ phía nhà trường, cho dù đó là môn TD.

Vậy mới có chuyện hy hữu một kiện tướng quốc gia phải… học và thi lại môn TD. Trịnh Lê Vân Anh, VĐV judo của TP.HCM, hiện là sinh viên năm thứ 3 khoa Ngoại ngữ, trường ĐH Nông Lâm. Với hàng loạt huy chương từ Cúp CLB toàn quốc đến các giải trẻ quốc gia, Vân Anh được phong kiện tướng quốc gia. Cuối hè 2008, sau một giải đấu, Vân Anh bị tái phát chấn thương, phải mổ đầu gối. Đầu năm học, mẹ Vân Anh đến phòng đào tạo của trường với giấy chứng nhận của bác sĩ để xin phép cho Vân Anh được miễn học môn TD nhưng được trả lời rằng chưa có văn bản quy định cụ thể, trường không thể ưu tiên. Kết quả là năm sau Vân Anh phải đăng ký học và thi… lại môn TD. Oái oăm hơn nữa, suốt 3 năm qua, Vân Anh chưa từng phải học lại, thi lại môn nào tại giảng đường, trừ… môn TD.

Như vậy, những nỗ lực trong luyện tập và trên thảm đấu của các VĐV dù được cụ thể hóa bằng huy chương, danh hiệu vẫn không đủ để thay thế cho chương trình TD “hàn lâm”. Ngoài hàng chục giờ luyện tập hằng tuần, các bạn sinh viên - VĐV lại phải học thêm TD để được “giáo dục toàn diện”, thay vì dùng thời gian quý báu đó để học tập những môn khác.

Thiếu giáo viên chuyên trách

Trong 24 quận, huyện của TP.HCM chỉ một vài nơi có đội ngũ giáo viên chuyên trách ổn định như Q.1, Q.5, Q.Tân Phú...

Trường tiểu học Tuy Lý Vương (Q.Cool có 55 lớp nhưng chỉ có một giáo viên chuyên trách. Thế nên, từ khối lớp 1 đến khối lớp 4, môn TD do giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm. Còn ở Q.Phú Nhuận, 2 tiết TD mỗi tuần được chia đều cho giáo viên chuyên trách và giáo viên chủ nhiệm. Đến giờ thể dục, các giáo viên chủ nhiệm nữ phải thay áo dài bằng đồng phục TD để xuống sân. Riêng trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Q.Cool thì từ ngày thành lập đến nay đã gần 20 năm chưa khi nào có giáo viên chuyên trách môn TD nên khi học môn này giáo viên chủ nhiệm phải tổ chức thực hiện.

Nguyên trưởng phòng giáo dục một quận của TP.HCM báo động nếu cứ kéo dài giải pháp tình thế về giáo viên như hiện nay sẽ không ổn. Đó là chưa kể giáo viên chủ nhiệm dạy không đúng động tác, không đúng sư phạm có khi lại phản tác dụng.


Bích Thanh

Nguyễn Ngọc Lan Chi
(Báo Thanh Niên)

grilCL_kute
member clubs
member clubs

Tổng số bài gửi : 15
Age : 26
Points : 41
Reputation : 1
Registration date : 06/09/2010

Về Đầu Trang Go down

 Sợ môn thể dục  Empty Re: Sợ môn thể dục

Bài gửi  grilCL_kute Sat Feb 12, 2011 1:19 pm

Sợ môn thể dục : Sẽ thay đổi cách dạy và học

11/02/2011 23:35
Cần nhiều thay đổi trong chương trình dạy thể dục ở các trường để góp phần nâng cao thể chất HS-SV VN - Ảnh: Đ.N.Thạch
Trường ĐH Buffalo, một trong những trường công lớn của Mỹ, có câu phương châm bằng tiếng Latin: “Mens sana in corpore sano”, tiếng Anh là "Sound mind in a sound body" (tạm dịch: Tinh thần minh mẫn trong một cơ thể cường tráng).

Rõ ràng thể dục thể thao đóng vai trò quan trọng trong học đường nên không thể xem nó là môn học sao cũng được, có gì dạy nấy như lâu nay các trường vẫn làm. Muốn nâng cao thể chất của người VN, trước hết cần nâng cao thể thao học đường.

Về vấn đề này, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (HS-SV) Bộ GD-ĐT, chia sẻ: “Cá nhân tôi cũng rất bức xúc trước tình trạng dạy thể dục trong nhà trường hiện nay. Chủ trương của Bộ GD-ĐT khi đưa môn học này vào nhà trường là mong muốn giúp HS tập luyện thể thao để rèn luyện sức khỏe và giảm căng thẳng, mệt mỏi vì việc học. Mà muốn làm được điều đó thì môn học phải phù hợp với HS, làm cho các em cảm thấy thực sự thích thú”.

Không nhất thiết đưa vào chính khóa

Hồi còn làm lãnh đạo ở trường ĐH thì quả thực tôi thấy thể dục là môn học không được nhiều SV ưa thích, nhiều khi nó còn làm khổ SV. Thời gian đó, ở trường tôi, SV phải học bộ môn xà lệch, trường thì chật, phải dựng xà trên nền xi măng và có một vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra. Sau đó trường chuyển sang môn học khác. Tuy nhiên, do chỉ có một môn nên vẫn xảy ra tình trạng phù hợp với SV này nhưng không hợp với SV kia. Trong khi đó, nhiều SV thích những môn khác như bơi lội, cầu lông, thể dục nhịp điệu... nhưng lại không được học. Cái đích của chúng ta là giáo dục toàn diện, song điều đó không có nghĩa tất cả các môn học đều phải đưa vào chương trình chính khóa. Theo tôi, những môn như thể dục nên để cho HS tham gia các CLB trong trường một cách tự do.

GS Nguyễn Minh Thuyết - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Tuệ Nguyễn (ghi)

Có ý kiến cho rằng, thay vì buộc HS phải học một môn thể dục cụ thể nào đó (không có lựa chọn) thì các trường cần tổ chức các câu lạc bộ (CLB) thể dục thể thao với nhiều bộ môn khác nhau để HS lựa chọn?

Đó là những gì mà chúng tôi đang hướng đến. Bản thân tôi đã nhiều lần đề xuất với lãnh đạo Bộ về việc phải giáo dục thể chất theo hình thức các CLB để HS có quyền lựa chọn. Hiện nay theo quan sát của tôi thì rất hiếm trường làm được việc này. Tất nhiên, cũng cần hiểu rằng, để thực hiện được điều đó phải kéo theo rất nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên... Nhưng tôi tin tưởng rằng, với thực tế nhiều bức xúc như hiện nay thì chắc chắn trong thời gian tới, việc dạy và học môn thể dục trong các trường sẽ thay đổi.

Theo ông, có nên chấm dứt đánh giá việc học môn thể dục của HS bằng cách cho điểm?

Tất nhiên không thể coi thể dục như môn học kiến thức vì tính đặc thù của nó nhưng cũng cần có sự đánh giá kết quả sau một quá trình học tập, rèn luyện. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng nếu HS được học một môn thể thao nào đó theo sở trường của mình, nhà trường xác định đúng mục tiêu của môn học thì tự nhiên khâu thi cử, đánh giá sẽ trở nên rất nhẹ nhàng.

Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, các trường phổ thông không phải là nơi đào tạo vận động viên nên không thể bắt tất cả HS phải nhảy cao bao nhiêu, chạy xa bao nhiêu. Điều quan trọng là môn học đó có giúp HS khỏe khoắn, vui vẻ hơn hay không.

Chuyên gia cũng... chào thua

Sau khi xem qua chương trình thể dục bậc phổ thông, các HLV thể thao, chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình đều… lắc đầu.

* Nhìn vào cách phân chia thời gian, khối lượng luyện tập, tôi cảm nhận ngành giáo dục chưa thật sự quan tâm đến môn thể dục. Nói thẳng ra, đây là một chương trình làm cho có chứ không có giá trị về mặt thể thao. Một kỹ thuật trong thể thao chỉ có thể được hình thành khi được lặp lại ít nhất vài trăm lần. Theo như chương trình thể dục bậc phổ thông, với điều kiện sĩ số, thời gian phân bố, trong một buổi học, HS chỉ tập được vài lần cho mỗi động tác. Sau đó nghỉ đến 1 tuần sau mới quay lại. Như vậy, mọi thứ sẽ trở về con số không.

HLV Nguyễn Đình Minh
(Tổ cự ly ngắn - ĐTQG điền kinh)

* Lấy ví dụ nội dung đá cầu ở lớp 11. Những kỹ thuật như đá tấn công bằng mu bàn chân hay tấn công bằng đầu có độ khó cao, dành cho các đội tuyển năng khiếu. Nhưng ngay cả đối với các vận động viên, muốn thực hiện thành công cũng cần có một quỹ thời gian dài hơn. Trong khi đó, chương trình lớp 11 quy định học di chuyển, tâng giật cầu, tấn công bằng mu bàn chân, bằng đầu, tập phối hợp, rồi luật thi đấu, chiến thuật… chỉ trong 5 tiết.

HLV Lê Quan Khang
(Trưởng bộ môn đá cầu Q.5, TP.HCM)

* Môn thể dục thực ra là phương tiện để phát triển các tố chất như sức mạnh, độ bền, độ linh hoạt, dẻo dai, tính chính xác, sự nhanh nhạy, sự cân bằng, sự khéo léo, cảm xúc tích cực… của HS-SV. Chính các tố chất này mới làm nên sức khỏe và giúp làm việc hiệu quả. Cách đánh giá cũng phải được thực hiện theo hướng tiếp cận cá thể, có nghĩa là tính đến đặc điểm giới tính của HS-SV. Nếu chúng ta đánh giá theo kiểu “một thang điểm cho tất cả” thì các em sẽ rất lo sợ và vì vậy không còn nhận ra ý nghĩa quan trọng của việc rèn luyện thể chất nữa.

TS tâm lý Nguyễn Minh Anh
(Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM)

*Mục đích của thể thao học đường là đem lại sức khỏe, giúp HS-SV có sức bền suốt 9 tháng đèn sách. Một chương trình thể dục quá dày đặc rất dễ gây ức chế cho HS, khiến việc luyện tập không đạt hiệu quả cao, sức khỏe cũng không cải thiện được. Thật ra, các môn thể thao đều hướng đến việc vận động hệ cơ, xương, khớp, từ đó tăng khả năng thích nghi của các hệ tim mạch, hô hấp, thần kinh. So với một chương trình thể dục “giáo dục toàn diện” thứ gì cũng biết thì HS chỉ cần chơi tốt một, hai môn để “đổ mồ hôi” sẽ tốt hơn. Mặt khác, khi thời gian tập luyện ngắn, lại đòi hỏi kỹ thuật cao rất dễ dẫn đến nguy cơ chấn thương. Một điểm quan trọng khác mà chương trình thể dục bậc phổ thông chưa đáp ứng được là hướng dẫn các phương pháp tránh chấn thương khi chơi thể thao. Về nguyên tắc, khi bắt đầu tập thể thao, phải tập các tư thế an toàn trước, rồi mới đến kỹ thuật.

Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh
(Giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM)

Lan Chi (ghi)

Ý kiến

Cảm ơn thể thao

Gần 50 năm trước, tôi đã ngỏ lời “cảm ơn thể thao”, và hiện nay cả hai đứa con của tôi cũng nói như thế.

Chính nhờ thể thao, những sinh họat tiêu cực ngoài xã hội lúc bấy giờ không cách gì “cuốn” được tôi. Cả thời trai trẻ của tôi được sống trong một môi trường thể thao lành mạnh và tiếp tục “ngấm” đến tận hôm nay, khi đã qua tuổi lục tuần.

Được hưởng lợi ích từ các hoạt động thể thao nên khi có con gái đầu lòng, tôi đã hướng con tập luyện môn thể thao phù hợp là bóng bàn ngay từ lúc cháu còn học mẫu giáo. Cháu tự sắp xếp được lịch sinh hoạt hằng ngày để vừa học văn hóa tốt và chơi bóng bàn cũng không tồi. Có năm, cháu cũng đem về được cho tỉnh cúp vô địch quốc gia trong lứa tuổi của mình. Tiếp đó, tôi dẫn đứa con trai thứ hai xem chị thi đấu để cháu hiểu dần tác dụng của thể thao đối với sức khỏe. Lại đến lượt cháu cũng theo bố và chị đến với bóng bàn ngay từ những năm đầu tiểu học, sau đó cũng vào đội tuyển thiếu niên của tỉnh.

Khi đã trưởng thành, chính các cháu thừa nhận: “Được tập và chơi thể thao đúng hướng ngay từ nhỏ, con không chỉ được khỏe mạnh về thể chất mà còn thấy được “khỏe” hơn nhiều mặt khác”. Các cháu có nhiều cơ hội rèn luyện những tính tốt cho cuộc sống tương lai, trong đó nổi bật nhất là biết tự lập, sống có kỷ luật, tinh thần đồng đội cao...

Chu Quân

Nỗi ám ảnh

Đọc bài Sợ môn thể dục trên Thanh Niên, em lại nhớ tới nỗi ám ảnh môn thể dục hồi em học lớp 9. Cũng vì học không đạt môn này mà hết năm lớp 9, em đành phải nghỉ học.

15 tuổi nhưng em cao 1,1m, nặng chừng 28 kg. Thầy bắt em chạy thi thể dục với các bạn cao to hơn em nhiều, và em luôn là người chạy sau cùng. Thầy bắt em chạy đi chạy lại nhiều lần. Bao nhiêu con mắt đổ dồn vào em, lúc đầu thì khích lệ “cố lên”, sau đó thì nhạo báng “con rùa”. Lo sợ, mệt mỏi, buồn phiền, em ngã xuống ngất xỉu. Sau đó phát bệnh, nghỉ học 3 ngày mới đến trường được. Từ đó, em “sợ” luôn môn thể dục. Cuối năm học, môn thể dục xếp loại kém, mặc dù điểm trung bình toàn năm trên 7,5, nhưng em được “vớt” vào loại trung bình. Buồn quá em nghỉ học, chấm dứt ước mơ lên học cấp 3.

Đỗ Thị Ngọc An
(xã Ninh Thượng, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa)

Tuệ Nguyễn (thực hiện)

grilCL_kute
member clubs
member clubs

Tổng số bài gửi : 15
Age : 26
Points : 41
Reputation : 1
Registration date : 06/09/2010

Về Đầu Trang Go down

 Sợ môn thể dục  Empty Re: Sợ môn thể dục

Bài gửi  Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết